Các Trường đại học khác có ngành Công nghệ thông tin (CNTT), Trường ĐHBK chỉ có hai ngành: Khoa học Máy tính (KHMT) và ngành Kỹ thuật Máy tính (KTMT). Vậy hai ngành này có giống với ngành CNTT của các Trường ĐH khác không?
Tại ĐH Bách Khoa, Khoa KH & KT Máy tính, đào tạo 2 ngành Khoa học Máy tính và Kỹ thuật Máy tính. Từ khóa 2019, ngành Khoa học Máy tính bao gồm 6 chuyên ngành:1) Khoa học Máy tính, 2) Công nghệ dữ liệu bảo mật & trí tuệ kinh doanh, 3) Công nghệ phần mềm, 4) Mật mã và an ninh mạng, 5) Trí tuệ nhân tạo và ứng dụng, 6) Xử lý ảnh và Thị giác máy tính. Ngành Kỹ thuật Máy tính bao gồm 3 chuyên ngành: 1) Kỹ thuật Máy tính, 2) Hệ thống tính toán hiện đại, 3) Internet vạn vật và an ninh mạng. Có thể hiểu, Công nghệ Thông tin là tên gọi chung, chỉ 1 nhóm môn học mà trong quá trình học 1 trong 2 ngành kể trên, các em sẽ được cung cấp kiến thức về nó.
Khác nhau giữa ngành KHMT và KTMT?
- NGÀNH KHOA HỌC MÁY TÍNH:
Ngành Khoa học Máy tính thuộc nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin. Mục tiêu của chương trình ngành Khoa học Máy tính là đào tạo ra những kỹ sư có chất lượng cao, có khả năng thiết kế, xây dựng và triển khai những hệ thống phần mềm đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế. Kỹ sư tốt nghiệp ngành Khoa học Máy tính cũng được trang bị những kiến thức cần thiết để có thể học tiếp cao học và tiến sỹ trong lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin.
Chương trình sẽ trang bị cho sinh viên kiến thức nền tảng thuộc lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin, kiến thức cốt lõi ngành Khoa học Máy tính, và kiến thức, công nghệ chuyên sâu của ngành như trí tuệ nhân tạo, bảo mật và an toàn máy tính, xử lý dữ liệu khối lượng lớn từ mạng Internet và các mạng xã hội, thiết kế và phát triển các ứng dụng cho các thiết bị di động và môi trường Web.
Sau khi tốt nghiệp chương trình ngành Khoa học Máy tính của Trường Đại học Bách Khoa, các kỹ sư có thể đảm nhiệm nhiều công việc trong lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin như:
– Thiết kế và xây dựng các phầm mềm máy tính cho các ngân hàng, các tổ chức tài chính, hành chính và thương mại, v.v.
– Thiết kế và xây dựng các ứng dụng cho các thiết bị di động, ứng dụng thương mại điện tử trên nền Web, các trò chơi trên máy tính và thiết bị di động, v.v.
– Quản trị và xây dựng các giải pháp đảm bảo an toàn cho các hệ thống máy tính và hệ thống mạng máy tính.
– Làm việc trong các công ty gia công phần mềm cho các thị trường Mỹ, Nhật và Châu Âu.
– Tư vấn, thẩm định và phát triển các dự án, giải pháp công nghệ thông tin.
- NGÀNH KỸ THUẬT MÁY TÍNH:
Ngành Kỹ thuật Máy tính thuộc nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin. Mục tiêu của chương trình ngành Kỹ thuật Máy tính là đào tạo ra những kỹ sư có chất lượng cao, có khả năng thiết kế, xây dựng và triển khai những hệ thống phần mềm và phần cứng cho máy tính và các thiết bị điều khiển nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế. Kỹ sư tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Máy tính cũng được trang bị những kiến thức cần thiết để có thể học tiếp cao học và tiến sỹ trong lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin.
Chương trình sẽ trang bị cho sinh viên kiến thức nền tảng thuộc lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin, kiến thức cốt lõi ngành Kỹ thuật Máy tính, và kiến thức, công nghệ chuyên sâu của ngành như vi xử lý, vi điều khiển, thiết kế vi mạch, phần mềm nhúng, phần mềm cho các thiết bị điều khiển tự động, robot công nghiệp.
Sau khi tốt nghiệp chương trình ngành Kỹ thuật Máy tính của Trường Đại học Bách Khoa, các kỹ sư có thể đảm nhiệm nhiều công việc trong lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin như:
– Thiết kế và xây dựng các phầm mềm, phần cứng cho các thiết bị điều khiển tự động như các thiết bị điều khiển trong ô tô, thiết bị điện tử, thiết bị đọc mã vạch, robot công nghiệp, các dây chuyền công nghiệp.
– Quản trị và xây dựng các giải pháp đảm bảo an toàn cho các hệ thống máy tính và mạng máy tính.
– Làm việc trong các công ty gia công phần mềm cho các thị trường Mỹ, Nhật và Châu Âu.
– Tư vấn, thẩm định và phát triển các dự án, giải pháp công nghệ thông tin.
Nếu ban đầu em học ngành KHMT, sau đó, em thấy không phù hợp, em có thể chuyển sang ngành KTMT được không?
Do tuyển sinh riêng, nên SV không được chuyển ngành trong quá trình học.
Em muốn học làm robot, điều khiển từ xa các thiết bị trong gia đình thì em nên học ngành nào?
Kỹ thuật Máy tính là 1 lựa chọn phù hợp.
Học phí của ngành KHMT, KTMT?
Tham khảo quy định về mức thu học phí năm học 2019-2020, đào tạo đại học chính quy- đại trà: 5.300.000 VNĐ/ học kỳ (tối đa 17 tín chỉ), đào tạo đại học chất lượng cao: 30.000.000 VNĐ/ học kỳ (tối đa 17 tín chỉ).
Khi học xong ngành KHMT, KTMT, em có được đi dạy không?
Em có thể đi dạy sau khi tốt nghiệp đại học, tùy vào tiêu chuẩn của cơ sở tuyển dụng.
Trường có Ký túc Xá không? Em có được ở KTX không?
Trường có KTX tại quận 10 & KTX thuộc KTX ĐHQG-HCM, để được xem xét ở KTX em cần thỏa các điều kiện do KTX đưa ra.
Em học ngành KHMT ra Trường có việc làm không?
Cơ hội việc làm cho ngành KHMT là rất lớn.
Trường có giới thiệu việc làm cho em không?
Hằng năm, Khoa & Trường đều tổ chức ngày hội việc làm để em có cơ hội học hỏi, trao đổi và tham dự phỏng vấn với nhà tuyển dụng. Ngay từ năm 3, các em đã đi thực tập với các doanh nghiệp có liên hệ với Khoa/Trường, nếu năng lực của em phù hợp với yêu cầu của công ty em có thể có việc làm bán thời gian/toàn thời gian ngay từ thời điểm này.
Em học ngành KTMT hoặc KHMT, em có thể đi du học được không?
Em có thể du học tự túc hoặc bằng học bổng. Hằng năm, Trường đều phổ biến thông tin về cơ hội học bổng/ du học cho sinh viên thông qua website Khoa, Trường và nhiều kênh khác.
Em ở quê, chưa được học viết chương trình, em có thể học được ngành KHMT không?
Em hoàn toàn có thể theo học KHMT, vì trong quá trình học em sẽ được thầy/cô cung cấp kiến thức cũng như tư vấn về chương trình học.
Trường có giới thiệu em miễn nghĩa vụ quân sự không?
Điều kiện để được cấp Giấy xác nhận hoãn nghĩa vụ quân sự là em có đăng ký môn học trong học kỳ, nghĩa là chừng nào em còn đang thực học tại Trường em sẽ được Trường hỗ trợ tối đa về việc này.
Trường có cho em vay tiền đóng tiền học phí không?
Trường có chính sách hỗ trợ về việc giảm/ miễn giảm tiền học phí. Em có thể liên hệ Phòng Công tác Chính trị- Sinh viên để được giúp đỡ.
Sau khi em ra Trường, em có được học tiếp lên cao nữa hay không?
Bắt đầu từ năm 2019, sinh viên theo học chương trình đào tạo đại học chính quy ngành KHMT & KTMT đều có thể đăng ký học liên thông đại học- cao học ngành Khoa học Máy tính ngay từ năm 3. Việc học liên thông này sẽ giúp em rút ngắn thời gian đào tạo thạc sĩ cũng như giảm chi phí đào tạo.
Em học không giỏi lắm, em nên học ngành nào? (KHMT, KTMT)
Em có thể học ngành nào cũng được, miễn em yêu thích và đủ tiêu chuẩn theo học chương trình.
Em học không giỏi lắm, em nên học ngành nào? (KHMT, KTMT)
Em có thể học ngành nào cũng được, miễn em yêu thích và đủ tiêu chuẩn theo học chương trình.
Học phí có đắt không?
Tham khảo quy định về mức thu học phí năm học 2019-2020, đào tạo đại học chính quy – đại trà: 5.300.000 VNĐ/ học kỳ (tối đa 17 tín chỉ), đào tạo đại học chất lượng cao: 30.000.000 VNĐ/ học kỳ (tối đa 17 tín chỉ).
Em có nghe chương trình tiên tiến. Vậy chương trình tiên tiến là gì?
Tại Khoa KH & KTMT, chỉ đào tạo chương trình chính quy đại trà và chương trình chất lượng cao, không đào tạo chương trình tiên tiến.
Em nghe bạn em nói, Trường ĐHBK có cơ sở ở Thủ Đức. Nếu em đăng ký học ngành KHMT, em học ở cơ sở nào?
Nếu em học chương trình chính quy đại trà thì em sẽ học ở CS2, Dĩ An, Bình Dương. Nếu em học chương trình chất lượng cao thì em sẽ học ở CS1, Lý Thường Kiệt, Quận
Em thích làm web, em nên học ngành nào?
Em nên học ngành KHMT.
Học ngành KHMT, KTMT mất bao nhiêu năm?
4 năm (+2 năm), bằng cử nhân, áp dụng từ 2019.
Em nghe bạn em nói học ngành KHMT khó lắm, mà em học không giỏi môn vật lý, em học có được không?
Em không giỏi vậy lý vẫn có thể theo học ngành KHMT, vì ngành không chuyên sâu về các môn cơ bản, CTĐT tập trung cung cấp kiến thức ngành, giúp em hiểu và có thể vận dụng kiến thức ngành trong công việc thực tiễn.
Ở Trường em dưới quê, em chỉ có học word, excel, window. Vậy, em có học được ngành KTMT không?
Em có thể học được ngành KTMT vì CTĐT tập trung cung cấp kiến thức ngành, giúp em hiểu và có thể vận dụng kiến thức ngành trong công việc thực tiễn.
Ngành KHMT và KTMT, ngành học nào dễ hơn.
Mỗi ngành đều có thuận lợi và khó khăn nhất định, quan trọng là sự yêu thích và chịu khó học hỏi, tìm tòi kiến thức từ ngành học.
Ngành Kỹ thuật Máy tính là ngành học về vấn đề gì?
Theo từ điển Cambridge thì “kỹ thuật” (engineering) có nghĩa là sự nghiên cứu để ứng dụng các nguyên lý khoa học để thiết kế và xây dựng các máy móc, cấu trúc và các hệ thống khác nhau; “máy tính” (computer) là một máy điện tử sử dụng cho mục đích lưu trữ, tổ chức và tìm kiếm các từ ngữ, các con số và các hình ảnh để tính toán và điều khiển các máy khác. Như vậy, Kỹ thuật Máy tính theo định nghĩa là ngành sẽ ứng dụng các nguyên lý khoa học để thiết kế và hiện thực các hệ thống máy tính khác nhau nhằm nhiều mục đích.
Tại Khoa KH&KTMT, ngành Kỹ thuật Máy tính hướng đến mục tiêu đào tạo sinh viên một cách toàn diện để có thể thiết kế và hiện thực được các hệ thống tính toán hoàn chỉnh phục vụ cho các loại ứng dụng khác nhau từ các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo cho đến các ứng dụng trên nền tảng IoT hay các ứng dụng liên quan đến chuỗi khối (blockchain). Cụ thể, sinh viên có thể phát triển được các hệ thống sau khi hoàn tất chương trình đào tạo KTMT:
- Hướng trí tuệ nhân tạo: nhận dạng đối tượng (gương mặt, biển số xe, làn đường,…); nhận dạng phân tích âm thanh (giọng nói, nhạc,…); phân tích các hành vi bất thường trên môi trường mạng tốc độ cao; điều khiển đèn giao thông bằng học tăng cường (reinforcement learning).
- Hướng hệ thống nhúng: các hệ thống điều khiển tự động như nhà thông minh, nông nghiệp thông minh (tưới tiêu tự động); hệ thống quản lý giao nhận hàng tự động (smart box); các hệ thống điều khiển tự động máy móc công nghiệp (máy CNC, máy sấy trái cây,…).
- Hướng Internet vạn vật (IoT): các hệ thống quan trắc môi trường, chất lượng nguồn nước; các hệ thống giám sát xe, giám sát kho bãi; các hệ thống phục vụ nông nghiệp công nghệ cao; các hệ thống và các ứng dụng dựa trên các thiết bị di động.
- Hướng tính toán hiệu năng cao – điện toán đám mây: các hệ thống xử lý song song, tính toán trên nền tảng đa nhân; các hệ thống phòng chống tấn công mạng tốc độ cao sử dụng các thiết bị phần cứng chuyên dụng; các hệ thống phân tích chuỗi dữ liệu sinh học; các hệ thống điện toán đám mây như Microsoft Azure, Google Cloud, Amazon Cloud,…
- Hướng mạng máy tính và an ninh mạng: các hệ thống dựa trên chuỗi khối; các hệ thống bảo mật mạng ở nhiều mức khác nhau; các hệ thống mật mã; các ứng dụng web và các hệ thống mạng.
Sự khác biệt giữa ngành Kỹ thuật Máy tính và ngành Khoa học Máy tính ở trường Đại học Bách khoa – ĐHQG TPHCM là gì?
Như đã trình bày ở trên, “Kỹ thuật Máy tính” nói chung là hướng đến thiết kế và hiện thực toàn bộ hệ thống máy tính sử dụng các nguyên lý khoa học. Một hệ thống máy tính hoàn chỉnh sẽ bao gồm 3 lớp cơ bản là: phần cứng (các board mạch từ đơn giản đến phức tạp như Arduino hay Raspberry; các nền tảng tính toán như GPU hay các bộ xử lý đa nhân); phần mềm hệ thống (hệ điều hành, các trình biên dịch, các dịch vụ điều khiển thiết bị); và phần mềm ứng dụng, trí tuệ nhân tạo (ví dụ TensorFlow, Apache Spark).
- Ngành KTMT ở trường Đại học Bách khoa – ĐHQG TPHCM giảng dạy sinh viên ở cả ba lớp nêu trên nhưng tập trung nhiều vào phần mềm hệ thống và phần cứng. Từ đó, sinh viên có thể lập trình được và phát triển được các ứng dụng không chỉ thực thi được trên máy tính cá nhân (máy tính để bàn hay máy tính xách tay) mà còn thực thi được trên các board mạch hệ thống nhúng và các hệ thống tính toán chuyên biệt như hệ thống đa nhân, GPU hay các chip phần cứng lập trình được. Trên cơ sở đó, sinh viên tốt nghiệp ngành KTMT sẽ có thể tham gia được vào các dự án thuộc các hướng như đã nêu ở Câu 1.
- Ngược lại: ngành KHMT ở trường Đại học Bách khoa – ĐHQG TPHCM tập trung nhiều vào phần mềm ứng dụng và một phần mức phần mềm hệ thống. Sinh viên ngành KHMT có thể làm các công việc sau sau khi tốt nghiệp: Thiết kế và xây dựng các phầm mềm máy tính cho các ngân hàng, các tổ chức tài chính, hành chính và thương mại,…; Thiết kế và xây dựng các ứng dụng cho các thiết bị di động, ứng dụng thương mại điện tử trên nền Web, các trò chơi trên máy tính và thiết bị di động,…; Quản trị và xây dựng các giải pháp đảm bảo an toàn cho các hệ thống máy tính và hệ thống mạng máy tính.
Sự khác biệt giữa Kỹ thuật Máy tính và Công nghệ thông tin là gì?
Ngành Kỹ thuật Máy tính ở trường Đại học Bách khoa – ĐHQG TPHCM đã được trình bày ở Câu 1 và Câu 2. Ngành Công nghệ thông tin ở các trường Đại học khác thường hướng đến việc giảng dạy sinh viên phát triển phần mềm bằng một ngôn ngữ cụ thể hoặc sử dụng những phần mềm sẵn có, hơn là hướng sinh viên đến toàn bộ hệ thống tính toán hoàn chỉnh.
Có các chuyên ngành/hướng nào trong ngành Kỹ thuật Máy tính?
Có 3 chuyên ngành cụ thể ở ngành Kỹ thuật Máy tính ở trường Đại học Bách khoa – ĐHQG TPHCM:
- Chuyên ngành Internet vạn vật và An ninh mạng: nếu theo đuổi chuyên ngành này, sinh viên sẽ đào sâu các kiến thức và kỹ năng liên quan đến các hướng Internet vạn vật; hướng mạng máy tính và an ninh mạng (chi tiết các hướng này đã nêu ở Câu 1)
- Chuyên ngành Các hệ thống tính toán hiện đại: nếu theo đuổi chuyên ngành này, sinh viên sẽ đào sâu các kiến thức và kỹ năng liên quan đến các hướng trí tuệ nhân tạo, hướng hệ thống nhúng và hướng tính toán hiệu năng cao (chi tiết các hướng này đã nêu ở Câu 1)
- Chuyên ngành Kỹ thuật Máy tính (trùng tên với ngành): sinh viên không theo một trong hai chuyên ngành cụ thể nêu trên sẽ được công nhận thuộc chuyên ngành này. Khi đó, sinh viên có thể học một các tổng quan tất cả các hướng đã nêu.
Cần phải có kiến thức/kỹ năng gì để học được ngành KTMT?
Sinh viên không cần phải có kiến thức hay kỹ năng gì cụ thể, tất cả sẽ được hướng dẫn và giảng dạy từ đầu. Tuy nhiên, sinh viên cần có niềm đam mê và hứng thú với ngành hay cụ thể hơn là với các hướng học tập nghiên cứu đã nêu trên.
Có thể học về trí tuệ nhân tạo trong ngành KTMT không?
Hoàn toàn có thể, sinh viên có thể phát triển được các hệ thống dựa trên trí tuệ nhân tạo như: nhận dạng đối tượng (gương mặt, biển số xe, làn đường,…); nhận dạng phân tích âm thanh (giọng nói, nhạc,…); phân tích các hành vi bất thường trên môi trường mạng tốc độ cao; phát triển các hệ thống dựa trên AI cho các ngành khác (hệ điều khiển tín hiệu giao, phân tích hệ gen của virus, nhận dang bệnh cây trồng).
Có thể học về an ninh mạng trong ngành KTMT không?
Hoàn toàn có thể, sinh viên khi tốt nghiệp ngành KTMT có khả năng phân tích đánh giá mức độ bảo mật của một hệ thống tính toán, một website; có khả năng thiết kế và hiện thực các hệ thống phòng chống tấn công mạng ở cả mức phần mềm (tốc độ thấp) và mức phần cứng bằng các thiết bị chuyên dụng (tốc độ cao). Ngoài ra, sinh viên còn được cung cấp những kiến thức hàn lâm cơ bản về mật mã học (mã khối, mã đối xứng, mã không đối xứng, chữ ký điện tử, blockchain).
Có thể học về IoT trong ngành KTMT không?
Một trong những hướng chủ đạo của ngành Kỹ thuật Máy tính là phát triển các hệ thống dựa trên nền tảng vạn vật kết nối. Đây là một trong những thế mạnh của thầy và trò ngành Kỹ thuật Máy tính ở trường Đại học Bách khoa – ĐHQG TPHCM.
Có thể học về hệ thống nhúng trong ngành KTMT không?
Hoàn toàn có thể, sinh viên có thể phát triển được các hệ thống nhúng từ đơn giản đến phức tạp phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau như giám sát, điều khiển thiết bị từ xa, điều khiển máy móc tự động.
Có thể học về tính toán hiệu năng cao – điện toán đám mây trong ngành KTMT không?
Đây cũng là một thế mạnh khác của thầy và trò ngành KTMT ở trường Đại học Bách khoa – ĐHQG TPHCM. Taị đây, thầy và trò của ngành KTMT đang có một trong những hệ thống tính toán hiệu năng cao nhất và hiện đại nhất Việt Nam. Bên cạnh đó, thầy trò ngành Kỹ thuật Máy tính cũng đang sở hữu những hệ thống tính toán chuyên dụng như GPU hay các chip phần cứng lập trình được có thể nói là hiện đại nhất ở khu vự phía nam.
Có thể học về thiết kế chip/thiết kế vi mạch trong ngành KTMT không?
Hoàn toàn có thể, hiện tại thầy trò ngành Kỹ thuật Máy tính ở trường Đại học Bách khoa – ĐHQG TPHCM có liên kết rất chặt chẽ với những công ty thiết kế vi mạch hàng đầu khu vực TPHCM nói riêng và miền nam nói chung như Renesas, Marvell, AMCC,… Chương trình đào tạo có hẳng một môn liên quan đến thiết kế vi mạch được thiế kế và giảng dạy trực tiếp bởi chuyên gia hàng đầu từ Renesas Việt Nam.
Nếu cần thêm thông tin hoặc cần tư vấn về ngành Kỹ thuật Máy tính thì liên hệ ở đâu?
Nếu cần tư vấn thêm các vấn đề liên quan đến ngành Kỹ thuật Máy tính xin mời xem trang tiếp theo
- Trang Facebook chính thức của ngành Kỹ thuật Máy tính trường Đại học Bách khoa – ĐHQG TPHCM: https://www.facebook.com/hcmut.ce/
- Website chính thức của khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính – trường Đại học Bách khoa – ĐHQG TPHCM: https://www.cse.hcmut.edu.vn/nganh-ky-thuat-may-tinh