ĐẠI HỌC: NGÀNH KHOA HỌC MÁY TÍNH
TỔNG QUAN CHƯƠNG TRÌNH
Ngành Khoa học Máy tính thuộc nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin. Mục tiêu của chương trình ngành Khoa học Máy tính là đào tạo ra những người học có chất lượng cao, có khả năng thiết kế, xây dựng. triển khai và duy trì những hệ thống phần mềm đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế. Sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học Máy tính cũng được trang bị những kiến thức cần thiết để có thể học tiếp Cao học và Tiến sĩ trong lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin.
Chương trình sẽ trang bị cho sinh viên kiến thức nền tảng thuộc lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin, kiến thức cốt lõi ngành Khoa học Máy tính. Chương trình Khoa học Máy tính bao gồm các chuyên ngành sau:
- Công nghệ Phần mềm (Software Engineering)
- Trí tuệ Nhân tạo (Artificial Intelligence)
- Công nghệ Dữ liệu và Dữ liệu lớn (Data Engineering and Big Data)
- An ninh hệ thống và mạng (System and Network Security)
MỤC TIÊU ĐÀO TẠO
Đào tạo những kỹ sư có phẩm chất chính trị, đạo đức, có ý thức phục vụ cộng đồng, có kiến thức và năng lực thực hành nghề nghiệp tương xứng với trình độ đào tạo, có sức khỏe, đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các mục tiêu cụ thể như sau:
- Có đạo đức tốt để làm việc và có ích cho cộng đồng.
- Có khả năng hiện thực các hệ thống thông tin, hệ thống tri thức, và hệ thống phần mềm đáp ứng nhu cầu kinh tế xã hội.
- Có đủ kiến thức để có thể học sau đại học, hoặc tự bồi dưỡng để nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp trong môi trường cạnh tranh trong nước cũng như quốc tế.
- Có khả năng làm việc tốt trong các đội nhóm đa ngành.
CHUẨN ĐẦU RA
Mục tiêu chương trình được thể hiện qua các chuẩn đầu ra tổng quát như sau:
- Phân tích các vấn đề tính toán phức tạp để áp dụng các nguyên tắc của Khoa học Máy tính và các quy tắc liên quan nhằm xác định giải pháp cho vấn đề.
- Thiết kế, triển khai và đánh giá một giải pháp khoa học máy tính để đáp ứng các yêu cầu của ngành Khoa học Máy tính được nêu trong tài liệu chuyên ngành của ngành.
- Nhận thức được trách nhiệm nghề nghiệp và đưa ra đánh giá về tính ứng dụng của máy tính dựa trên các nguyên tắc pháp lý và đạo đức.
- Giao tiếp hiệu quả trong nhiều môi trường chuyên nghiệp khác nhau.
- Hoạt động hiệu quả với vai trò là thành viên hoặc trưởng nhóm trong các hoạt động tương ứng trong ngành
- Áp dụng lý thuyết khoa học máy tính và các nguyên tắc cơ bản của phát triển phần mềm để tạo ra các giải pháp thực tế
MÃ NGÀNH
Chương trình Tiêu chuẩn: 106
Chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh: 206
Chương trình Định hướng Nhật Bản: 266
CÁC ĐIỂM ĐẶC BIỆT
Từ năm 2008, Trường Đại học Bách khoa tiến hành xây dựng hai chương trình đào tạo Khoa học Máy tính và Kỹ thuật Máy tính theo chuẩn ABEL. Đây là một chuẩn dành cho các chương trnh đào tạo về kỹ thuật và công nghệ được áp dụng phổ biến tại các trường đại học của Mỹ. Từ năm 2014, chương trình khoa học Máy tính cùng với chương trình Kỹ thuật Máy tính chính thức được kiểm định bởi ABET. Cho đến thời điểm này, đây là hai chương trình đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được ABET kiểm định. Qua hoạt động xây dựng chương tình đào tạo theo chuẩn ABET chất lượng của hai chương trnh Khoa học Máy tính và Kỹ thuật Máy tính được nâng cao đến các chuẩn mực quốc tế. Người học tốt nghiệp từ những chương trình được ABET kiểm định sẽ được công nhận rộng rãi bởi các công ty và tổ chức của Mỹ.
CƠ SỞ VẬT CHẤT
- Sinh viên theo học Chương trình Khoa học Máy tính được học tập theo các phòng học chuẩn được đầu tư và nâng cấp hàng năm. Những phỏng học này đều được thiết kế theo tiêu chuẩn TCVN 3981:1985, được trang bị thiết bị hỗ trợ giảng dạy, học tập như máy chiếu, màn chiếu, thiết bị âm thanh.... Nhiều phòng được trang bị các dàn máy tính hiện đại đểphục vụ cho việc học của các bạn sinh viên và việc giảng dạy của các giảng viên.
- Về mặt thực hành, sinh viên sẽ được thực hành trong các phòng thí nghiệm chuyên môn phục vụ cho các khối kiến thức về lập trình, giải thuật, mạng và hệ phân bố. Đối với đồ án môn học và đồ ăn tốt nghiệp, sinh viên được tham gia vào các phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu như Phòng Thí nghiệm Tính toán nâng cao, Phòng Thí nghiệm tính toán hiệu nặng cao, Phòng Thí nghiệm loT-UTS, Phòng Thí Nghiệm Renesa, Phòng Thí nghiệm An ninh mạng, Phòng Thí nghiệm Khoa học Dữ liệu.
VỊ TRÍ VIỆC LÀM
- Theo số liệu thống kê những năm gần đây, 100% sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học Máy tính và Kỹ thuật Máy tính của trường có việc làm hoặc học tiếp sau đại học trong vòng 1 năm sau khi tốt nghiệp. Mức lương mới tốt nghiệp từ ngành này thuộc hàng cao nhất trong nhóm các ngành kỹ thuật. Nhiều cựu sinh viên của Khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính đang làm việc cho các công ty công nghệ lớn trên thế giới (như Google, Microsoft, Facebook, Amazon,...) và trong nước (như VNPT, Viettel, VNG, Zalo, FPT, KMS, TMA, Global CyberSoft, Mobifone, Marvell, Bosch, Renesas, Intel Vietnam,...), Trong số đó, nhiều người đang đảm nhận các vị trí rất quan trọng của những công ty công nghệ hàng đầu trong nước. Ngoài ra, cựu sinh viên của Khoa cũng làm việc ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc, Úc và Singapore.
- Các công việc có thể bao gồm tham gia vào các dự án phần mềm ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo, loT và Big Data, thiết kế phần mềm và xây dựng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực và nền tảng khác nhau. Người học cũng có thể quản trị và đảm bảo an toàn cho các hệ thống máy tính và mạng máy tính, làm việc trong các công ty gia công phần mềm cho thị trường nước ngoài, tham gia vào các dự án công nghệ thông tin.
QUAN HỆ HỢP TÁC VÀ TUYỂN DỤNG
Mỗi năm, Khoa tổ chức nhiều hoạt động kết nối giữa Doanh nghiệp và sinh viên: Hoạt động Gặp gỡ Doanh nghiệp để kết nối Khoa với Doanh nghiệp, cung cấp thông tin và lấy ý kiến góp ý; Hội chợ việc làm được tổ chức để quy tụ các Doanh nghiệp tìm kiếm nguồn nhân lực,... Ngoài ra, tất cả sinh viên đều được tham gia học kì thực tập ngoài trường (sinh viên thực tập tại các doanh nghiệp đối tác vào học kì hè). Thêm nữa, khoa cũng tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa khác như seminar, cuộc thi học thuật và tham quan, gặp gỡ doanh nghiệp, cựu sinh viên.
HỌC BỔNG
Mỗi năm, khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính nhận được rất nhiều học bổng tài trợ đến từ hàng chục các doanh nghiệp lớn trong thị trường công nghệ như: Sky Mavis, KMS, Sacombank,... và hội cựu sinh viên dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, có thành tích học tập tốt và cả những sinh viên nữ trong Khoa. Mỗi suất học bổng bao gồm các khóa học, hỗ trợ hiện kim với tổng giá trị từ 500 - 2000 USD mỗi suất và có cơ hội nhận được công việc, thực tập tại các công ty này.
HỌC BỔNG TRAO ĐỔI VÀ HỌC BỔNG TOÀN PHẦN SAU ĐẠI HỌC
Các chương trình học bổng và trao đổi Sau Đại học bao gồm hỗ trợ nghiên cứu khoa học với kinh phí hỗ trợ cho sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh, chương trình học bổng Sau Đại học của ĐHQG-HCM, chương trình học bổng của Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup, chương trình học bổng khuyến học Sau Đại học của Hội Thương gia Đài Loan tại Việt Nam, các chương trình học bổng Vallet, Pony Chung, Toshiba cùng chương trình học bổng trao đổi Erasmus Mundus đến các Trường Đại học ở Châu Âu.
HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Bên cạnh việc học tập kiến thức chuyên môn trong các giờ học trên lớp, sinh viên Khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính rất tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học cùng tập thể cán bộ giảng dạy của Khoa. Nhiều bạn sinh viên có được các bài báo khoa học trong các hội nghị, tạp chí khoa học quốc tế có uy tín ngay trong thời gian còn đang theo học chương trình đào tạo đại học.
Một số sản phẩm các bạn tham gia xây dựng có nhiều ý nghĩa trong thực tiễn như hệ thống thông tin giao thông cho địa bàn TP.HCM (http://traffic.hcmut.edu.vn), ứng dụng hướng dẫn người đi đường trong đô thị giúp tránh những điểm có tình hình giao thông phức tạp trên Android (ứng dụng Road Maester trên Google Play), ứng dụng nhận diện và đếm xe trong đô thị qua các camera giao thông, các hệ thống quan trắc môi trường tại các khu công nghiệp, ứng dụng xe điều khiển không người lái, hệ thống điều khiển robot lặn biển, hệ thống lưu trữ dữ liệu lớn, v.v…
HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHÓA SINH VIÊN
Khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính thường xuyên tổ chức các hoạt động chuyên môn và hoạt động hướng nghiệp nhằm tạo điều kiện cho sinh viên chuẩn bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho nghề nghiệp tương lai của mình, và động thời làm cho môi trường hoạt động của sinh viên được sinh động, cuốn hút hơn. Các hoạt động tiêu biểu được tổ chức định kỳ hàng năm như Ngày hội Việc làm, Ngày hội Kỹ thuật; các cuộc thi chuyên môn như Hậu duệ Pascal, CSE Hackathon; các seminar về công nghệ mới và kỹ năng nghề nghiệp có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp tại TP.HCM. Ngoài ra, sinh viên Khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính tích cực tham gia các hoạt động xã hội và các hoạt động chuyên môn trong trường như tham gia các chiến dịch Mùa hè xanh, Xuân tình nguyện, v.v…