ĐẠI HỌC - NGÀNH KỸ THUẬT MÁY TÍNH 

TỔNG QUAN CHƯƠNG TRÌNH

Ngành Kỹ thuật Máy tính thuộc nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin. Mục tiêu của chương trình ngành Kỹ thuật Máy tính là đào tạo ra những kỹ sư có chất lượng cao, có khả năng thiết kế, xây dựng và triển khai những hệ thống phần mềm và phần cứng cho máy tính và các thiết bị điều khiển nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế. Kỹ sư tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Máy tính cũng được trang bị những kiến thức cần thiết để có thể học tiếp cao học và tiến sỹ trong lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin.


Chương trình sẽ trang bị cho sinh viên kiến thức nền tảng thuộc lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin, kiến thức cốt lõi ngành Kỹ thuật Máy tính, và kiến thức, công nghệ chuyên sâu của ngành như vi xử lý, vi điều khiển, thiết kế vi mạch, phần mềm nhúng, phần mềm cho các thiết bị điều khiển tự động, robot công nghiệp.


Chương trình đào tạo Kỹ sư ngành Kỹ thuật Máy tính là một trong hai chương trình đào tạo của Khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính được kiểm định bởi ABET, và cũng là một trong hai chương trình đầu tiên của Việt Nam được ABET kiểm định. 

MỤC TIÊU ĐÀO TẠO


Đào tạo những kỹ sư có phẩm chất chính trị, đạo đức, có ý thức phục vụ cộng đồng, có kiến thức và năng lực thực hành nghề nghiệp tương xứng với trình độ đào tạo, có sức khỏe, đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


  1. Xác định và giải quyết vấn đề kỹ thuật trên một phạm vi rộng các ứng dụng đòi hỏi thực tế sáng tạo và hiệu quả của ngành kỹ thuật máy tính.
  2. Đóng góp vào sự tăng cường phát triển kinh tế của đất nước thông qua sự kết hợp của chuyên môn kỹ thuật, năng lực lãnh đạo với một ý thức đạo đức và chuyên nghiệp.
  3. Đạt được sự nghiệp thành công trong một thế giới công nghệ không ngừng thay đổi thông qua đào tạo liên tục và phát triển nghề nghiệp. 

CHUẨN ĐẦU RA


Mục tiêu chương trình được thể hiện qua các chuẩn đầu ra tổng quát như sau:


  1. Khả năng nhận dạng, phát biểu và giải quyết các vấn đề kỹ thuật máy tính phức tạp bằng cách áp dụng các nguyên tắc kỹ thuật, khoa học và toán học.
  2. Khả năng áp dụng thiết kế kỹ thuật để tạo ra các giải pháp đáp ứng các nhu cầu cụ thể có xem xét đến sức khỏe cộng đồng, an toàn và phúc lợi, cũng như các yếu tố toàn cầu, văn hóa, xã hội, môi trường và kinh tế.
  3. Khả năng giao tiếp hiệu quả với nhiều đối tượng.
  4. Khả năng nhận thức về trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực kỹ thuật máy tính và khả năng đưa ra những đánh giá sáng suốt và xem xét các tác động của các giải pháp kỹ thuật trong bối cảnh kinh tế, môi trường và xã hội toàn cầu.
  5. Khả năng hoạt động hiệu quả trong một nhóm mà các thành viên cùng nhau dẫn dắt, tạo ra một môi trường hợp tác và toàn diện, thiết lập mục tiêu, lập kế hoạch các nhiệm vụ và đáp ứng các mục tiêu.
  6. Khả năng phát triển và thực hiện thí nghiệm thích hợp, phân tích và giải thích dữ liệu và sử dụng dự đoán kỹ thuật để đưa ra kết luận.
  7. Khả năng tiếp thu và áp dụng kiến thức mới khi cần thiết, sử dụng các chiến lược học tập phù hợp. 

TRIỂN VỌNG NGHỀ NGHIỆP

  1. Thiết kế xây dựng các hệ thống phần mềm, hệ thống tính toán hiệu năng cao và hệ thống phần cứng dựa trên các công nghệ tiên tiến như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, học máy, vi mạch, kết nối vạn vật, ... cho các ứng dụng trong nền công nghiệp 4.0 như thành phố thông minh, nhà thông minh, nông nghiệp thông minh, tự động hoá, quan trắc môi trường, ...
  2. Quản trị và xây dựng các giải pháp đảm bảo an toàn cho các hệ thống máy tính và hệ thống mạng máy tính.
  3. Tư vấn, thẩm định và phát triển các dự án, giải pháp công nghệ thông tin.
  4. Trở thành trưởng các nhóm và các dự án phát triển hệ thống ứng dụng, các chuyên gia, phụ trách các mảng công nghệ, quản lý các bộ phận quan trọng của các công ty sau vài năm công tác.


Theo số liệu thống kê những năm gần đây, 100% kỹ sư tốt nghiệp ngành Khoa học Máy tính và Kỹ thuật Máy tính của trường có việc làm hoặc học tiếp sau đại học trong vòng 1 năm sau khi tốt nghiệp. Mức lương của các kỹ sư mới tốt nghiệp từ hai ngành nay thuộc hàng cao nhất trong nhóm các ngành kỹ thuật.

Nhiều cựu sinh viên của Khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính đang làm việc cho các công ty công nghệ lớn trên thế giới như Google, Microsoft, Facebook, Amazon, v.v. Ở Việt Nam, cựu sinh viên của Khoa làm việc ở rất nhiều công ty khác nhau, bao gồm những doanh nghiệp lớn về công nghệ như VNPT, Viettel, VNG, Zalo, SEA Group, FPT, KMS, TMA, Global CyberSoft, Mobifone, Marvell, Renesas, Intel Vietnam v.v. Nhiều cựu sinh viên của Khoa đang đảm nhận các vị trí rất quan trọng của những công ty này. Ngoài ra, về mặt địa lý, cựu sinh viên của Khoa cũng làm việc ở nhiều nước trong khu vực, đặc biệt là ở Nhật, Hàn Quốc, và Singapore.

Nhiều cựu sinh viên của Khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính hiện phụ trách các vị trí lãnh đạo, kỹ thuật quan trọng tại các tập đoàn, công ty lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở Việt Nam.

CÁC ĐIỂM ĐẶC BIỆT

Từ năm 2008, Trường Đại học Bách Khoa tiến hành xây dựng hai chương trình đào tạo Khoa học Máy tính và Kỹ thuật Máy tính theo chuẩn ABET. Đây là một chuẩn dành cho các chương trình đào tạo về kỹ thuật và công nghệ được áp dụng phổ biến tại các trường đại học của Mỹ. Từ năm 2014, chương trình Kỹ thuật Máy tính cùng với chương trình Khoa học Máy tính chính thức được kiểm định bởi ABET. Đây là hai chương trình đầu tiên tại Việt Nam được ABET kiểm định. Qua hoạt động xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn ABET, chất lượng của hai chương trình Khoa học Máy tính và Kỹ thuật Máy tính được nâng cao đến các chuẩn mực quốc tế. Kỹ sư tốt nghiệp từ những chương trình được ABET kiểm định sẽ được công nhận rộng rãi bởi các công ty và tổ chức của Mỹ.


Chương trình đào tạo ngành KTMT sẽ đóng góp nhân lực chủ yếu cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển thành phố thông minh dựa trên công nghệ vạn vật kết nối (Internet of Things – IoTs).

HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Bên cạnh việc học tập kiến thức chuyên môn trong các giờ học trên lớp, sinh viên Khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính rất tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học cùng tập thể cán bộ giảng dạy của Khoa. Nhiều bạn sinh viên có được các bài báo khoa học trong các hội nghị, tạp chí khoa học quốc tế có uy tín ngay trong thời gian còn đang theo học chương trình đào tạo đại học. Một số sản phẩm các bạn tham gia xây dựng có nhiều ý nghĩa trong thực tiễn như hệ thống thông tin giao thông cho địa bàn TP.HCM (http://traffic.hcmut.edu.vn), ứng dụng hướng dẫn người đi đường trong đô thị giúp tránh những điểm có tình hình giao thông phức tạp trên Android (ứng dụng Road Maester trên Google Play), ứng dụng nhận diện và đếm xe trong đô thị qua các camera giao thông, các hệ thống quan trắc môi trường tại các khu công nghiệp, ứng dụng xe điều khiển không người lái, hệ thống điều khiển robot lặn biển, hệ thống lưu trữ dữ liệu lớn, v.v…

HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHÓA SINH VIÊN

Khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính thường xuyên tổ chức các hoạt động chuyên môn và hoạt động hướng nghiệp nhằm tạo điều kiện cho sinh viên chuẩn bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho nghề nghiệp tương lai của mình, và động thời làm cho môi trường hoạt động của sinh viên được sinh động, cuốn hút hơn. Các hoạt động tiêu biểu được tổ chức định kỳ hàng năm như Ngày hội Việc làm, Ngày hội Kỹ thuật; các cuộc thi chuyên môn như Hậu duệ Pascal, CSE Hackathon; các seminar về công nghệ mới và kỹ năng nghề nghiệp có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp tại TP.HCM. Ngoài ra, sinh viên Khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính tích cực tham gia các hoạt động xã hội và các hoạt động chuyên môn trong trường như tham gia các chiến dịch Mùa hè xanh, Xuân tình nguyện, v.v…